Leadership Story 07: LÃNH ĐẠO CÓ THỂ BỊ THAY THẾ BỞI AI?
Với khả năng truy cập thông tin không giới hạn, khả năng xử lý vượt trội, học hỏi nhanh chóng và không bị hạn chế bởi cảm xúc, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ sớm vượt qua khả năng của con người trong nhiều lĩnh vực, kể cả lãnh đạo. Nghiên cứu khảo sát hơn 600 nhân viên đa ngành nghề cho thấy nhân viên đã có sự tin tưởng nhiều hơn vào AI so với các sếp nhân sự của họ trong một số lĩnh vực lãnh đạo.
Lãnh đạo AI – Nhanh hơn, Chính xác hơn, Ít thiên vị hơn, Nhất quán hơn
AI có thể phân tích lượng lớn dữ liệu và xác định các mẫu chính xác hơn con người. AI có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ sự ảnh hưởng của trạng thái tâm lý, nền tảng và các mối quan hệ cá nhân, công việc, góc nhìn của nhà lãnh đạo, điều này khiến AI vượt trội trong lĩnh vực chiến lược và ra quyết định.
Đáng chú ý, trong nghiên cứu về nhân viên cảm nhận thế nào về việc tích hợp AI trong lãnh đạo, 65% số người tham gia khảo sát cho thấy mức tin tưởng cao khi chọn từ “hơi” đến “hoàn toàn” tự tin vào khả năng phát triển chiến lược của AI.
AI có thể nhất quán và ít biến đổi hơn so với các nhà lãnh đạo con người trong lập kế hoạch, phân công công việc và xác định ưu tiên công việc. Thú vị và có lẽ đáng ngạc nhiên, những người tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy thoải mái khi AI phân tích hiệu suất và tối ưu hóa các hành động và quyết định của họ, miễn là phản hồi đó tích cực (phân tích thêm về điều này trong phần tiếp theo) vì AI đưa ra những phản hồi đã được cá nhân hóa và liên tục về hiệu suất của họ, đồng thời phân tích điểm mạnh – khía cạnh cần cải thiện và đưa ra định hướng, đào tạo hoặc cần được hỗ trợ từ nguồn lực khác để giúp họ phát triển.
Mặc dù vậy, những lợi ích trong tương lai khi AI tiến hóa, không nên trở thành lý do khiến các nhà lãnh đạo lo sợ bị thay thế vì nghiên cứu cho thấy, nhân viên muốn được dẫn dắt bởi con người, không phải công nghệ!
Lãnh đạo con người – Không hoàn hảo nhưng Chân thật
Dù chúng ta thường nghĩ công việc nên được tổ chức, chuyên nghiệp và hiệu chỉnh lý tưởng, nhưng trong những lĩnh vực rất “con người”, AI có những hạn chế lớn nhất. Nghiên cứu cho thấy 57% người không tin rằng AI có thể hiểu hành vi nhân viên tốt hơn các nhà lãnh đạo, và 60% lo ngại về khả năng AI lợi dụng cảm xúc để ra quyết định.
Nghiên cứu học thuật cho thấy nhân viên không tin tưởng và không thoải mái với AI khi nói đến các vấn đề cá nhân. Mọi người lo lắng AI có thể lạm dụng hoặc xử lý sai dữ liệu cá nhân, dẫn đến cảm giác dễ bị tổn thương. Nhiều người lo sợ sự phân biệt đối xử nếu AI áp dụng các chiến lược cứng nhắc và đối xử bất công với một số nhóm nhân sự, hay sự thiếu minh bạch, thiên vị và “vùng cấm” liên quan đến quyết định từ AI, v.v…
Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo tham khảo những phản hồi trên để thấy mình cần dành thời gian đầu tư vào những vấn đề “rất con người” như cảm xúc trong công việc, những cuộc trò chuyện quan tâm, minh bạch và cởi mở.
Cũng trong nghiên cứu, nhân viên không muốn AI tham gia và đưa ra các quyết định về tuyển dụng, bổ nhiệm và phân công công việc dựa trên hiểu biết của chúng về hành vi con người. Vì mặc dù nhân viên có thể thoải mái đón nhận những phản hồi tích cực về hiệu suất do AI tạo ra (như đã lưu ý ở trên) nhưng khi nhận phản hồi tiêu cực về hiệu suất thì chỉ có 25% người cảm thấy thoải mái.
Điều này cho thấy những nhà lãnh đạo tốt nhất của hiện tại – và tương lai, cần tìm thấy sự cân bằng trong những quyết định hàng ngày, giữa việc chấp nhận những điểm mạnh của AI và củng cố thêm những phẩm chất nhân văn với vai trò là người dẫn dắt.
Làm thế nào để cân bằng Lãnh đạo AI và con người?
Trong tương lai, các nhà lãnh đạo biết tận dụng AI sẽ có lợi thế về năng suất, hiệu quả và chất lượng quyết định. Những nhà lãnh đạo thể hiện tính nhân văn sẽ thu hút, giữ chân, phát triển và động viên nhân sự ưu tú.
Để các nhà lãnh đạo xác định khi nào nên tận dụng AI, khi nào tập trung vào những phẩm chất tốt nhất của mình về tính nhân văn trong quản trị con người, hãy tự hỏi hai câu hỏi sau:
- Tình huống này có dựa vào kiến thức, suy nghĩ và phân tích logic không?
- Tình huống này có đòi hỏi các phẩm chất xã hội, cảm xúc hoặc liên quan đến tính cá nhân không?
Và tham khảo ma trận dưới đây
Nguồn: Potential Project
Nghiên cứu hơn 10 năm qua phát hiện ra rằng càng thể hiện sự nhân văn trong lãnh đạo, càng mang lại kết quả tốt cho đội ngũ, tổ chức và bản thân bạn. Các nhà lãnh đạo thành công ngày nay cần nghiên cứu, tìm hiểu những gì AI có thể làm, những gì AI không thể làm và một số vấn đề đạo đức liên quan đến việc sử dụng AI để tận dụng lợi ích của AI.
Đồng thời cần nắm bắt và phát huy tối đa những phẩm chất đặc biệt của chính mình để dấn thân trở thành những nhà lãnh đạo nhân văn, tạo dựng lòng tin và sự trung thành nhiệt huyết, cam kết với nhân viên.
Các phẩm chất cốt lõi của một Nhà Lãnh Đạo Nhân Văn
Trong thập kỷ qua, tác giả đã thu thập dữ liệu từ 75.000 nhà lãnh đạo và nhân viên từ nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, phỏng vấn hàng trăm giám đốc điều hành giàu kinh nghiệm và hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Harvard Business School, Columbia Business School và Rotman School of Management.
Một vị giám đốc được phỏng vấn đã chia sẻ: “Lãnh đạo là học cách quản lý và học lại cách làm người.”
Lãnh đạo nhân văn là thể hiện đúng con người chân thật, cũng vẫn dễ bị tổn thương, không hoàn hảo và không phải lúc nào cũng có thể đưa ra câu trả lời xác đáng. Cốt lõi của lãnh đạo nhân văn là 3 phẩm chất quý báu: Nhận thức, Lòng trắc ẩn và Trí tuệ.
Và vì sao lại là 3 phẩm chất này để hoàn thiện vai trò lãnh đạo trong kỷ nguyên AI, hẹn các bạn bài viết sau.
CORE Leadership lược dịch lại từ Harvard Business Review
Bài viết của tác giả: Rasmus Hougaard, Jacqueline Carter, và Rob Stembridge